Khoa Tâm lý – Giáo dục tổ chức SENIMAR góp ý điều chỉnh chương trình đào tạo đại học ngành Tâm lý học giáo dục

Trước những yêu cầu đó, sáng ngày 08/5/2023 khoa Tâm lý - Giáo dục tổ chức seminar góp ý điều chỉnh chương trình đào tạo đại học ngành Tâm lý học giáo dục với mong muốn lắng nghe góp ý của các chuyên gia phát triển chương trình, chuyên gia Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học lâm sàng đến từ các đơn vị đào tạo, cũng như những trao đổi của các đơn vị sử dụng lao động, sinh viên, cựu sinh viên để hướng tới điều chỉnh, phát triển, hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Toàn cảnh buổi seminar

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, tích cực, Khoa đã đón nhận được những góp ý rất có ý nghĩa từ các chuyên gia, khách mời. PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng - Phó trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh ưu điểm của bản dự thảo điều chỉnh chương trình đào tạo cử nhân với hướng chuyên sâu phù hợp, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp. Việc điều chỉnh chương trình theo định hướng khung năng lực Quốc gia Việt Nam là phù hợp và tiệm cận xu hướng phát triển hiện đại, tránh được một số những hạn chế mà một số đơn vị đào tạo khác đang gặp. Tuy nhiên, nếu chương trình diễn đạt rõ hơn mục tiêu chung, bổ sung hướng phát triển sau khi sinh viên tốt nghiệp đại học thì sẽ giúp họ có định hướng tốt hơn cho các bậc học tiếp theo. Đồng thời, việc diễn đạt các mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra cần thể hiện rõ hơn hai hướng đào tạo chuyên sâu mà chương trình hướng tới là: Tham vấn, trị liệu tâm lý và Tâm lý học trường học.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng trao đổi

PGS.TS Trần Thu Hương, trưởng bộ môn Tâm lý học lâm sàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Phạm Thanh Bình, giảng viên Học viện Phụ nữ cũng có những góp ý chi tiết cho khung chương trình đào tạo. Cụ thể là các ý kiến băn khoăn xoay quanh một số học phần như: Kỹ năng tổ chức sự kiện, Sinh lý học thần kinh cấp cao, Tâm lý học hành vi lệch chuẩn. Các chuyên gia đều thống nhất rằng các học phần này là cần thiết, nhưng họ quan tâm phạm vi kiến thức, kỹ năng mà các học phần này cung cấp đến sinh viên. Ví dụ học phần sinh lý học thần kinh cấp cao có cung cấp kiến thức về giải phẫu sinh lý không? Học phần Kỹ năng tổ chức sự kiện khu trú ở những nội dung sự kiện như thế nào? Tương tự, học phần Tâm lý học hành vi lệch chuẩn có nội hàm khá rộng, có cần xác định phạm vi hành vi lệch chuẩn trong trường học không? Nếu có, các học phần này cần có tên gọi phù hợp hơn.

PGS.TS Trần Thu Hương trao đổi

Bên cạnh những góp ý của các chuyên gia đến từ các đơn vị đào tạo, tại seminar, Khoa cũng được lắng nghe trao đổi của các đơn vị tuyển dụng lao động, các cơ sở tiếp nhận sinh viên của Khoa đến thực tập trong nhiều năm qua như đại diện Trung tâm Kids Time, Trung tâm tư vấn và chăm sóc rối nhiễu Tâm trí, Công ty cổ phần Max Việt, Công ty TNHH giáo dục ADA Việt Nam hay các cán bộ tâm lý học trường học đến từ trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Nội, Trường PT Vinschool. Những trao đổi này tập trung vào những đòi hỏi về kiến thức và kỹ năng mà các đơn vị sử dụng lao động cần ở sinh viên Tâm lý học giáo dục sau khi tốt nghiệp để có thể làm việc tốt theo hai hướng: Tâm lý học trường học và tham vấn, trị liệu tâm lý. Cụ thể, họ nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong thực hành tâm lý; mô hình gia đình trong tiếp cận tham vấn, trị liệu tâm lý; Vấn đề quản lý ca và giải quyết khủng hoảng trong thực hành tâm lý. Đồng thời, các đại diện đơn vị tuyển dụng và sử dụng lao động cũng nhấn mạnh việc gia tăng thời lượng thực hành trong chương trình điều chỉnh là cần thiết và có ý nghĩa.

Tại seminar, ông Lê Văn Duẩn - cán bộ tâm lý học trường học tại trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Nội nhấn mạnh: Sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục với định hướng chuyên sâu Tâm lý học trường học sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm tại các cơ sở giáo dục. Bởi một cán bộ tâm lý học trường học không chỉ cần kiến thức, kỹ năng thực hành tâm lý mà còn rất cần các kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục.

Ông Lê Văn Duẩn trao đổi

Phát biểu bế mạc seminar, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục ghi nhận những góp ý, trao đổi của các chuyên gia, các nhà tuyển dụng. Trên cơ sở này, Ban điều chỉnh chương trình đại học ngành Tâm lý học giáo dục sẽ tiếp tục làm việc, cân nhắc một cách nghiêm túc các ý kiến góp ý để hoàn thiện chương trình, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Hoàng Trung Học bế mạc seminar

Khoa Tâm lý - Giáo dục