Xê-mi-na khoa học: “Yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số trong giáo dục nhìn từ góc độ nhà quản lý”
Nhà quản lý chính là người đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số tại các trường đại học. Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức vận hành của trường đại học. Sự thay đổi toàn diện này bắt đầu từ chính người quản lý nhà trường. Người quản lý sẽ phải là người tiên phong trong chuyển đổi số. Do đó, người quản lý nên mạnh dạn đi đầu trong việc thay đổi tư duy, ứng dụng chuyển đổi số ngay trong cách chỉ đạo, thực hiện công việc hàng ngày.
Nhằm tạo diễn đàn cho các giảng viên, viên chức Học viện QLGD được trao đổi, tìm hiểu sâu rộng hơn nữa về chuyển đổi số trong quản lý nhà trường, chiều ngày 31/10/2023, Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục đã phối hợp với Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức buổi xê-mi-na khoa học với chủ đề “Yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số trong giáo dục nhìn từ góc độ nhà quản lý”, do TS. Đỗ Viết Tuân (Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông) báo cáo. Đến dự buổi xê-mi-na có đại diện lãnh đạo Học viện QLGD, đại diện lãnh đạo các đơn vị và các giảng viên, viên chức của Học viện QLGD.
Nội dung chính của xê-mi-na tập trung trao đổi, thảo luận về vấn đề quản lý nhà trường trước yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi số như: Đánh giá thành tố quan trọng nhất của chuyển đổi số trong giáo dục; Kiểm soát hoạt động nào quan trọng nhất trong hoạt động chuyển đổi số; Vai trò của chuyển đổi số hỗ trợ các hoạt động quản lý trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; Bài toán tài chính cho chuyển đổi số; Tính khả thi trong chuyển đổi số hiện nay.
Buổi xê-mi-na diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu hút được sự quan tâm, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi. “Chuyển đổi số trong giáo dục” chính là thông điệp cuối cùng của buổi xê-mi-na, với mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành nhà trường.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Xê-mi-na:
Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục