TỌA ĐÀM KHOA HỌC “TRỊ LIỆU NGHỆ THUẬT, TÂM VẬN ĐỘNG _ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ VẬN DỤNG TẠI VIỆT NAM”

Từ năm học 2024-2025, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức đào tạo bậc cử nhân ngành Giáo dục học _ định hướng Giáo dục trẻ khuyết tật phát triển_ nhằm chuẩn bị cho thị trường lao động những chuyên viên giáo dục có phẩm chất và năng lực hỗ trợ nhóm trẻ rối loạn, khuyết tật phát triển đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay. Cùng với cử nhân ngành Tâm lý học giáo dục định hướng tham vấn, trị liệu và phòng ngừa trong trường học_nhóm ngành đã được đào tạo nhiều năm tại Học viện Quản lý giáo dục, nguồn nhân lực này sẽ có thể phối hợp chặt chẽ với nhau, tạo nên mối liên hệ đa ngành (Tâm lý - Giáo dục) trong hỗ trợ trẻ rối loạn, khuyết tật phát triển và gia đình của trẻ. Đây được xem là định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế, tận dụng được ưu điểm của các tác động tâm lý và các tác động giáo dục trong hỗ trợ trẻ có khó khăn.

Với mục tiêu đào tạo đó, khoa Tâm lý - Giáo dục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để giảng viên và sinh viên của khoa có cơ hội được tham gia nghiên cứu, tiếp cận và lĩnh hội các kết quả nghiên cứu trong nước và ngoài nước, nhằm trao đổi, học hỏi, ứng dụng trong giảng dạy và thực hành lâm sàng. Một hoạt động nổi bật nhằm đáp ứng định hướng trên là tọa đàm khoa học “Trị liệu nghệ thuật, tâm vận động và các công cụ được sử dụng trong chẩn đoán, đánh giá tâm lý trẻ em – Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại thực tiễn Việt Nam” được diễn ra ngày 24/10/2024.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, giảng viên, sinh viên và các nhà khoa học trong, ngoài Học viện được nghe GS. Fabienne Deschoenmaecker, phó trưởng khoa Tâm lý, Học viện Libe Marie Haps - Vương quốc Bỉ trình bày về “Thực hành tâm lý cơ thể” và bà Karine Coekelberghs, giảng viên khoa Tâm lý, Học viện Libe Marie Haps - Vương quốc Bỉ trình bày về “Trị liệu nghệ thuật _những con đường khác có thể kết nối”. Các báo cáo từ các chuyên gia Bỉ không chỉ trình bày lý luận về trị liệu tâm vận động, trị liệu nghệ thuật mà còn minh chứng việc ứng dụng các kĩ thuật trị liệu này ở Việt Nam thông qua các trường hợp cụ thể.

Từ kết quả can thiệp thử nghiệm của mình trên trẻ em, GS Fabienne kết luận rằng: Kĩ thuật trị liệu tâm vận động, cụ thể là trị liệu tâm lý cơ thể có tác dụng trong việc hỗ trợ, can thiệp những vấn đề lo âu; điều phối vận động, nhận thức; quản lý cảm xúc; phát huy tính tự chủ, độc lập và cảm nhận bản thân ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Thực hiện các kĩ thuật trên với một số trẻ em Việt Nam tại bệnh viện Nhi trung ương, GS cho biết bà cùng nhóm nghiên cứu cũng nhìn thấy sự tiến triển tốt ở các trẻ này. Do đó, GS Fabienne khẳng định rằng vấn đề văn hóa, sắc tộc không ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu của các kĩ thuật này trên trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, việc phối hợp can thiệp với đối với cha mẹ và gia đình của trẻ có sự khác biệt trong bối cảnh Việt Nam và Bỉ. Bà nhận thấy rằng, các cha mẹ của trẻ tại Việt Nam chưa có tâm thế và chưa sẵn sàng tham gia trị liệu cùng con. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp.

Bên cạnh đó, nguyên tắc của các kĩ thuật trị liệu tâm vận động hay trị liệu cơ thể là hướng tới những vận động an toàn, những tác động đến cơ thể thông qua vật trung gian, giúp trẻ có cảm giác thuộc về, được bảo vệ trong quá trình trị liệu. Điều này phù hợp với đặc điểm của những trẻ có rối loạn phổ tự kỉ, khó khăn trong giao tiếp xã hội…

GS. Fabienne Deschoenmaecker, Phó trưởng khoa Tâm lý học, Học viện Libe Marie Haps - Vương quốc Bỉ

Báo cáo của GS Karine Coekelberghs về “trị liệu nghệ thuật” cũng mang đến một cách nhìn mới về một nội dung quen thuộc. Thông qua nội dung báo cáo, những người tham gia thảo luận về vai trò của các tác phẩm nghệ thuật thô của trẻ có khó khăn, cách thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa các em tham gia vào hoạt động nghệ thuật, và việc thiết lập các nguyên tắc hoạt động nghệ thuật như thế nào để phù hợp và khích lệ trẻ tham gia. Kết quả thảo luận cho thấy rằng: Với trẻ rối loạn phát triển, việc kết nối, tương tác với các em có thể gặp khó khăn. Khi đó, các hoạt động nghệ thuật có thể là cơ hội giúp nhà trị liệu kết nối với trẻ, cũng là con đường để trẻ tương tác, qua đó nhà trị liệu có thể nhận diện đặc điểm phát triển của trẻ, có những đánh giá và chiến lược can thiệp phù hợp.

GS. Karine Coekelberghs, giảng viên khoa Tâm lý học, Học viện Libe Marie Haps - Vương quốc Bỉ

Bên cạnh ý nghĩa đối với việc thực hành lâm sàng, báo cáo của các chuyên gia Bỉ cũng mang lại những thông tin khoa học hữu ích giúp các giảng viên của Khoa Tâm lý - giáo dục và các nhà nghiên cứu trong Học viện có thể ứng dụng trong giảng dạy các học phần liên quan đến trị liệu rối loạn phát triển, giáo dục trẻ rối loạn phát triển hoặc các học phần liên quan đến các lý thuyết phát triển tâm lý, cụ thể là lý thuyết tâm vận động và trong nghiên cứu khoa học tâm lý - giáo dục.

Giảng viên, sinh viên Khoa Tâm lý - Giáo dục trao đổi tại tọa đàm

Từ những giá trị mà buổi tọa đàm mang lại, lãnh đạo khoa Tâm lý - Giáo dục, lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục cũng như GS. Fabienne Deschoenmaecker - phó trưởng khoa Tâm lý, Học viện Libe Marie Haps nhận thấy rằng nếu tiếp tục đẩy mạnh hợp tác sẽ giúp cả đôi bên có những thông tin khoa học đa chiều, góp phần phát triển nghiên cứu khoa học, có thể kiểm định kết quả nghiên cứu trong những bối cảnh văn hóa khác nhau từ đó có bằng chứng để ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong can thiệp, trị liệu cho trẻ em rối loạn phát triển nói riêng và trẻ có khó khăn tâm lý nói chung. Vì vậy, những trao đổi, thỏa thuận sau buổi tọa đàm giữa Lãnh đạo Học viện, lãnh đạo khoa Tâm lý - Giáo dục với GS Fabienne, dưới sự chứng kiến của giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục hứa hẹn những dự án hợp tác quốc tế lâu dài giữa hai bên.

Một số hình ảnh Lãnh đạo Học viện và lãnh đạo khoa Tâm lý - Giáo dục làm việc cùng chuyên gia Bỉ:

                                                                              Tin và bài: Trần Thị Hải Yến