Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ nhiệm đề tài

Theo Thông tư 12/2010/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 3 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định về quản lý đề tài Khoa học và công nghệ cấp Bộ sau khi đề xuất và tham gia đấu thầu đề tài khoa học và công nghệ thành công, đồng thời có sự góp ý của Hội đồng tuyển chọn đề tài, chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cần thực hiện một số nhiệm vụ và có những quyền hạn sau:


Nhiệm vụ của một chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ:
1. Xây dựng Thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ hoàn chỉnh sau khi đã được Hội đồng tuyển chọn đề tài góp ý (sau đây gọi tắt là Thuyết minh đề tài) theo mẫu chung đã quy định.
2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu theo đúng nội dung và tiến độ ghi trong Thuyết minh đề tài; chấp hành các yêu cầu kiểm tra việc thực hiện đề tài của cơ quan chủ trì và cơ quan chủ quản.
3. Đảm bảo đề tài không trùng lặp với các đề tài đã và đang triển khai, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã được bảo vệ; đảm bảo chỉ rõ đầy đủ các trích dẫn cùng với nguồn gốc của nội dung trích dẫn.
4. Báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm tình hình và tiến độ thực hiện đề tài với cơ quan chủ quản.
5. Viết báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đề tài.
6. Thanh, quyết toán kinh phí của đề tài theo đúng quy định tài chính hiện hành, chuyển giao tài sản cố định được mua sắm từ kinh phí của đề tài (nếu có) cho cơ quan chủ trì đề tài quản lý sau khi đề tài kết thúc .
7. Trực tiếp báo cáo trước hội đồng đánh giá cấp cơ sở và cấp Bộ về kết quả thực hiện đề tài.
8. Công bố các kết quả nghiên cứu của đề tài trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định hiện hành.
Quyền hạn của chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ:
1. Kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chủ trì đề tài tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, thiết bị, phòng thí nghiệm, nhà xưởng để thực hiện đề tài.
2. Lựa chọn các thành viên tham gia nghiên cứu đề tài, ký hợp đồng với các tổ chức hoặc cá nhân trong và ngoài đơn vị để triển khai nội dung nghiên cứu theo đúng quy định hiện hành.
3. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung thuyết minh đề tài với cơ quan chủ trì và cơ quan chủ quản.
4. Yêu cầu cơ quan chủ trì đề tài tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài sau khi giao nộp đủ hồ sơ theo quy định.
5. Được xác lập quyền sở hữu trí tuệ để bảo hộ kết quả nghiên cứu của đề tài.
6. Chuyển giao kết quả nghiên cứu của đề tài theo quy định hiện hành.
Trên đây là những nhiệm vụ cần phải thực hiện và những quyền hạn được hưởng của các chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ trong quá trình triển khai đề tài. Các chủ nhiệm đề tài cần đọc kỹ những điều khoản trên để thực hiện đề tài khoa học và công nghệ đạt được kết quả tốt nhất.

                                                                                         N.T.H.Y
                                          Phòng Quản lý khoa học