ĐÁNH GIÁ CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ “NGHIÊN CỨU VÀ XÂY DỰNG QUY TRÌNH VẬN HÀNH PHÒNG HỌC STEM TIÊU CHUẨN THEO HƯỚNG TÍCH HỢP CÔNG NGHỆ THÔNG MINH TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG 2018”

Ngày 07 tháng 7 năm 2023, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức đánh giá cấp cơ sở đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu và xây dựng quy trình vận hành phòng học STEM tiêu chuẩn theo hướng tích hợp công nghệ thông minh trong trường phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông 2018”, mã số B2021-HVQ-01 do TS. Lê Thị Ngọc Thúy làm chủ nhiệm.

(Ảnh: Toàn cảnh phiên họp)

Buổi đánh giá diễn ra với sự chủ trì của GS.TS. Phạm Quang Trung – Chủ tịch Hội đồng, các thành viên của Hội đồng theo quyết định, đại biểu của một số các phòng chức năng, các khoa và các thành viên của nhóm nghiên cứu.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và trong nước về phòng học STEM, đề tài đề xuất mô hình và quy trình vận hành phòng học STEM tiêu chuẩn tích hợp công nghệ thông minh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong các nhà trường phổ thông hiện nay.

Về cơ sở lý luận, đề tài làm rõ các khái niệm cơ bản: phòng học thông minh, phòng học STEM, mô hình lý thuyết phòng học STEM tiêu chuẩn, mô hình lý thuyết phòng học STEM tiêu chuẩn tích hợp công nghệ thông minh… phân tích mô hình lý thuyết về phòng học STEM tiêu chuẩn theo hướng tích hợp công nghệ thông minh trong các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018.

Về cơ sở thực tiễn, đề tài phân tích thực trạng quản lý sử dụng phòng học STEM trong các trường phổ thông hiện nay, tiến hành tổ chức thử nghiệm quy trình và các phần mềm hỗ trợ quản lý, vận hành phòng học STEM chuẩn tích hợp công nghệ thông minh trong các trường phổ thông 2018.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành phòng học STEM tích hợp công nghệ thông minh đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018./.