SEMINAR KHOA HỌC: TRỊ LIỆU TÂM VẬN ĐỘNG CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ

Sáng ngày 2/4/2025, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục đã tổ chức thành công Seminar khoa học với chủ đề "Trị liệu tâm vận động cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ". Sự kiện này thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Tâm lý - Giáo dụccác chuyên gia quốc tế đến từ Học viện Maire Hape, Vương quốc Bỉ.

Toàn cảnh Seminar khoa học

Phát biểu khai mạc, TS. Hoàng Trung Học,Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp trị liệu hiện đại trong việc hỗ trợ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ.Đây cũng là cơ hội quý báu để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho giảng viên, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho sinh viên về các phương pháp trị liệu tâm lý, đặc biệt là trị liệu tâm vận động dành cho trẻ tự kỷ.

    

TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục

Một trong những điểm nhấn của seminar là báo cáo của GS.TS. Fabienne, Trưởng khoa Tâm lý của Học viện Maire Hape Bỉ về "Khung trò chơi trong tâm vận động". Trong báo cáo này này, GS. Fabienne đã chia sẻ hai yếu tố quan trọng trong trị liệu tâm vận độngkhung bên ngoài và khung bên trong.

  • Khung bên ngoài bao gồm các yếu tố vật lý tạo ra môi trường trị liệu hiệu quả, như không gian, thời gian, mục tiêu và chất liệu sử dụng trong trị liệu. Điều này tạo ra môi trường cần thiết để các nhà trị liệu và bệnh nhân có thể tương tác và tiến hành các hoạt động trị liệu một cách hiệu quả.
  • Khung bên trong, hay còn gọi là khung tâm lý, tập trung vào khả năng của nhà trị liệu trong việc tiếp nhận và cảm nhận cơ thể, cũng như khả năng biểu tượng hóa và thể hiện các cảm xúc. Khả năng này là nền tảng cho quá trình đào tạo và phát triển các kỹ năng trị liệu tâm vận động.

Bên cạnh đó, GS. Fabienne cũng nhấn mạnh chức năng quan trọng của người trị liệu như một "người bảo vệ" trong quá trình trị liệu. Điều này không chỉ liên quan đến việc chăm sóc cơ thể mà còn bao gồm việc tạo dựng một "cảm giác an toàn" cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em tự kỷ trong suốt quá trình trị liệu. Nhà trị liệu không chỉ giúp bệnh nhân cải thiện thể chất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân ổn định tâm lý và cảm xúc.

Giáo sư, Tiến sỹ Fabienne, Trưởng khoa Tâm lý, Học viện Maire Hape Vương quốc Bỉ

Seminar cũng mở ra các cuộc thảo luận sôi nổi về các câu hỏi quan trọng được bàn luận như: Khi nào quá trình trị liệu tâm vận động có thể kết thúc? Sự khác biệt trong trị liệu giữa các đối tượng khác giới và hiệu quả của việc tham gia của phụ huynh vào quá trình trị liệu? Theo GS. Fabienne, tại Bỉ, trẻ em tự kỷ được can thiệp bởi một đội ngũ đa ngành, trong đó có các nhà tâm vận động và các nhà vật lý trị liệu. Các gói trị liệu này thường kéo dài một năm, có thể gia hạn, trẻ tự kỷ được trị liệu ba lần mỗi tuần. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tham gia vào quá trình trị liệu, giúp tạo dựng sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trị liệu.....

Phát biểu tổng kết, TS. Hoàng Trung Học đã đánh giá cao những đóng góp quý báu và sự hướng dẫn tận tình từ các chuyên gia, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng một cách tiếp cận đa chiều trong công tác chăm sóc trẻ tự kỷ, bao gồm trị liệu tâm vận động, trị liệu hành vi và các phương pháp khác. TS. Học cũng khẳng định rằng việc đưa trị liệu tâm vận động vào chương trình thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng là cần thiết, nhằm trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Bên cạnh đó, Khoa cũng đề xuất việc thiết lập một phòng trị liệu tâm vận động tại Học viện và hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ chuyên môn liên tục từ các giáo sư quốc tế trong tương lai.

Seminar không chỉ mở ra cơ hội hợp tác quốc tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức về trị liệu tâm lý cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam.

Một số hình ảnh seminar khoa học

Khoa Tâm lý-Giáo dục