Gặp mặt những sinh viên Quản trị văn phòng học hay, nghiên cứu giỏi

Là sinh viên ngành Quản trị văn phòng, các bạn không chỉ được học tập trong một môi trường năng động, sáng tạo mà còn được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học (NCKH). Qua 4 năm đào tạo, các bạn sinh viên ngành Quản trị văn phòng (QTVP) đã chứng tỏ mình không chỉ là những sinh viên chăm chỉ, tích cực trong học tập mà còn là những “nhà khoa học trẻ“ đầy triển vọng khi 2 năm liên tiếp đạt giải Nhất Hội nghị sinh viên NCKH cấp Học viện. Nhân dịp Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam 18/5, hãy cùng gặp mặt những sinh viên QTVP vừa học hay, vừa nghiên cứu giỏi.

Hỏi: Xin chào, các bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân và chia sẻ lý do vì sao bạn đăng ký tham gia NCKH sinh viên không?

SV Hứa Thị Len: Mình hiện là sinh viên K14 QTVP. Mình là Chủ nhiệm đề tài NCKH sinh viên năm học 2021-2022 với đề tài nghiên cứu về “Quản lý đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số tại Học viện Quản lý giáo dục”. Mình tham gia NCKH vì mình nhận thấy đây là một lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích và giúp rèn luyện không chỉ là về kiến thức mà còn có nhiều kỹ năng khó có thể học được trên giảng đường. Bên cạnh đó, sự khích lệ từ giảng viên hướng dẫn cũng là một nguyên nhân để mình tự tin đăng ký tham NCKH sinh viên.

SV Phạm Quốc Tuấn: Có lẽ là xuất phát từ sự tò mò về NCKH với những câu hỏi ban đầu “NCKH là gì? NCKH khó hay dễ? NCKH mang lại điều gì cho sinh viên?”, mình đã đăng kí đề tài “Phương pháp học tập học phần Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục”. Mình muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực này và say mê tìm hiểu về chúng.

SV Giáp Thị Yến: Ban đầu khi được học môn phương pháp luận NCKH, mình nhận thấy môn học mặc dù phức tạp nhưng lại rất thú vị. Sau đó mình có tham gia 2 buổi hội nghị NCKH cấp khoa, mình thấy các đề tài nghiên cứu của các nhóm rất hay và sáng tạo. Điều này đã tạo động lực cho mình lên ý tưởng và thực hiện đề tài nghiên cứu “Hành vi vì môi trường của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục”.

SV Phạm Quốc Tuấn - Lớp QTVP K15C nhận bằng khen do đạt giải Nhất NCKH sinh viên cấp Học viện

Hỏi: Trong quá trình thực hiện NCKH các bạn đã gặp phải khó khăn gì? Bạn đã vượt qua nó như thế nào?

 SV Hứa Thị Len: Mình gặp phải một số khó khăn như: Thứ nhất là vấn đề làm sao để xác định tên đề tài nghiên cứu phù hợp với ngành đào tạo của mình cũng như đảm bảo được tính mới của nghiên cứu. Mình đã bố trí thời gian tìm hiểu lại, xin ý kiến góp ý từ giảng viên hướng dẫn và các thầy cô khác để định hướng rõ hơn mục đích nghiên cứu mà mình muốn hướng tới. Thứ hai, lúc đầu mình chưa rõ về khung sườn của một bài NCKH bao gồm những nội dung nào, nên viết từ đâu, khả năng viết lách và tổng hợp còn kém. Mình đã chủ động hỏi giảng viên hướng dẫn, trao đổi nhiều hơn về cách viết bài, yêu cầu đặt ra đối với sinh viên là gì; tham khảo nhiều tài liệu nghiên cứu của sinh viên và của các tác giả khác trên các website uy tín để nắm rõ được khung/đề cương của một báo cáo NCKH. Thứ ba là việc tìm đọc được những tài liệu liên quan đến đề tài, có tính tham khảo cao và thậm chí là tài liệu nghiên cứu nước ngoài. Các tài liệu mà mình nghiên cứu hầu hết mang tính hàn lâm cao, các tài liệu nước ngoài có bản dịch chưa sát nghĩa vậy nên sẽ gây tâm lý chán nản, khó tiếp thu khi đọc. Để khắc phục, mình đã truy cập những trang web khoa học uy tín để có thể tiếp cận được với những đề tài khoa học chuyên sâu, giàu tính khoa học. Đọc lại nhiều lần các tài liệu, trong quá trình đó mình gạch đầu dòng các ý chính và tổng hợp lại theo ý hiểu của bản thân. Sử dụng các công cụ dịch sát nghĩa nhất có thể để dịch các tài liệu nước ngoài hoặc nhờ sự giúp đỡ từ giảng viên hướng dẫn đối với những từ khóa hoặc bài viết có tính học thuật cao, không ngại hỏi những điều mình chưa hiểu. Thứ tư là khó khăn về mặt thời gian. Do chưa thực sự có kế hoạch cụ thể và chủ động về mặt thời gian nên quá trình thu thập dữ liệu tại Học viện phải kéo dài hơn so với dự kiến.

Hỏi: Các bạn đã học hỏi được những gì khi tham gia NCKH?

SV Phạm Quốc Tuấn: Khi tham gia NCKH, mình đã học được thêm các kiến thức mới: Biết cách lựa chọn, xác định một số vấn đề bất cập, hạn chế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ngoài ra, văn phong khoa học, cách trình bày của mình cũng được cải thiện hơn; mình còn học hỏi thêm các kỹ năng mới: Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng giải quyết vấn đề và Kỹ năng tự nghiên cứu. Thậm chí, kỹ năng soạn thảo văn bản và làm slide báo cáo bằng phần mềm powerpoint và canva của mình cũng lên tay đáng kể sau lần tham gia NCKH SV này.

SV Giáp Thị Yến: Khi tham gia NCKH, mình học hỏi được kỹ năng lập luận, viết bài, tư duy logic, kỹ năng tương tác làm việc nhóm. Rèn luyện được tính kiên trì (kiên trì với đề tài đến cùng, không bỏ cuộc khi gặp các khó khăn)

Hỏi: Các bạn hãy kể một kỉ niệm đáng nhớ khi tham gia NCKH?

SV Hứa Thị Len: Việc các thành viên luôn động viên nhau, nỗ lực để hoàn thành đề tài NCKH là một sự công nhận, minh chứng cho cố gắng của cả nhóm, đó là điều làm mình cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì bản thân. Mình còn nhớ mới đầu trao đổi với giảng viên hướng dẫn, cô đã nhận xét và góp ý rất nhiều, nêu ra những điều chúng mình đã làm được và nhiều thiếu sót của cả nhóm. Mới đầu chúng mình thấy căng thẳng, sợ, sau đó là có chút chán nản khi được nhận xét như vậy. Nhưng sau đó đọc lại nhiều lần, mới nhận ra rằng bản thân chưa đủ cố gắng, chưa thực sự đầu tư, thấy thiếu sót. Chúng mình lại động viên nhau, cố gắng khắc phục, tìm hiểu kỹ hơn để không mắc phải sai lầm đó nữa. Sau khi hoàn thành bài NCKH, các thành viên trong nhóm đã rèn luyện được tốt hơn khả năng viết lách, văn phong khoa học, mở rộng tư duy, mở mang hiểu biết của bản thân.

Bạn Hứa Thị Len - SV lớp QTVP K14A là một tấm gương trong học tập và say mê nghiên cứu khoa học

SV Phạm Quốc Tuấn: Có lẽ 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, kỷ niệm vui nhất của mình đó là: Đạt giải Nhất NCKH sinh viên cấp Học viện. Mình luôn coi đó là động lực, là bước đệm lớn cho hành trang sau này.

SV Giáp Thị Yến: Khi tham gia NCKH, việc gặp các khó khăn khiến mình cảm thấy rất buồn và đôi khi cũng có chút nản lòng. Tuy nhiên sau sự cố gắng nỗ lực đến khi bài nghiên cứu được hoàn thành có sản phẩm khiến mình cảm thấy rất vui (vui vì mình đã vượt qua khó khăn và thử thách của chính mình).

Việc là sinh viên ngành Quản trị văn phòng giúp bạn có lợi thế gì khi NCKH?

SV Hứa Thị Len: Sinh viên ngành Quản trị văn phòng có nhiều lợi thế phù hợp khi NCKH như được đào tạo, tiếp xúc nhiều với những môn học trong đó có giảng dạy những kỹ năng rất phù hợp và hữu ích cho NCKH như kỹ năng tổng hợp, lập báo cáo (như môn nghiệp vụ thư ký và trợ lý văn phòng, đại cương quản trị văn phòng), kỹ năng giao tiếp (trong môn kỹ năng giao tiếp văn phòng, phát triển kỹ năng cá nhân), tin học văn phòng (trong môn học tin học cơ sở, tin học VP nâng cao), kỹ năng soạn thảo văn bản... Đó là yếu tố quan trọng giúp sinh viên viết báo cáo được chỉn chu, đảm bảo đúng hình thức của một báo cáo khoa học. Bên cạnh đó, ngành QTVP là một ngành học với đầu ra trải rộng mọi ngành và lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, do đó sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc và thực hiện những đề tài đa dạng, nhiều hướng nghiên cứu và đó cũng là một lợi thế của tụi mình.

SV Phạm Quốc Tuấn: Là một sinh viên ngành QTVP, mình thấy các học phần như: Kỹ năng soạn thảo văn bản (giúp ích trong việc căn chỉnh theo quy định); Kỹ năng giao tiếp văn phòng (giúp thuyết trình tự tin, truyền cảm tới người nghe); …. giúp ích cho NCKH của bọn mình rất nhiều

SV Giáp Thị Yến: Là sinh viên ngành QTVP mình có lợi thế khi NCKH như: lợi ích trong việc tìm kiếm và tổng hợp tài liệu, áp dụng được một số kỹ năng tin học văn phòng trong quá trình thực hiện nghiên cứu, ví dụ kết hợp sử dụng word- excel và SPSS trong nghiên cứu và xử lý số liệu,...

 

PGS.TS. Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện trao giải Nhất Hội nghị sinh viên NCKH cho nhóm nghiên cứu của bạn Giáp Thị Yến - QTVP K15B

Nhóm nghiên cứu của bạn Giáp Thị Yến - sinh viên QTVP K15B nhận giải Nhất tại Hội nghị sinh viên NCKH năm học 2023-2024 ngày 16/05/2024 vừa qua

Hỏi: Bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên ngành Quản trị văn phòng khi tham gia NCKH?

SV Hứa Thị Len: Thực hiện một đề tài NCKH là cả một quá trình dài, trong đó sẽ gặp phải nhiều khó khăn nhưng đó sẽ là một cơ hội quý báu khi được các thầy cô, giảng viên hướng dẫn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm mà thầy cô tích lũy được. Đây thực sự là cơ hội để chúng ta thu được nhiều kiến thức, học hỏi thêm nhiều kỹ năng và rèn luyện tư duy logic.

SV Phạm Quốc Tuấn: Từ trải nghiệm của chính bản thân, mình nghĩ các bạn nên thực hiện ít nhất 1 đề tài nghiên cứu khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Hãy cho mình cơ hội để làm những điều mới, chịu khó nghiên cứu tài liệu, quan sát, phân tích để đề tài của mình được chỉn chu, hoàn thiện nhất.

SV Giáp Thị Yến: Các bạn hãy cứ mạnh dạn, tự tin đăng ký cho mình một đề tài NCKH và thực hiện NCKH đi nhé! Đừng sợ vì NCKH sẽ giúp các bạn học hỏi được thêm nhiều điều mới, hay và thú vị, giúp các bạn học hỏi và phát triển thêm một số kỹ năng như tư duy lý luận, tư duy logic, kỹ năng đọc, viết, khái quát vấn đề, cách sử dụng phần mềm để xử lý dữ liệu như Excel, SPSS,... Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và cảm thấy tự hào về bản thân khi bạn hoàn thành một đề tài NCKH.

 

Ngành Quản trị văn phòng hướng tới đào tạo các nhân viên hành chính, quản trị văn phòng, thư ký và trợ lý văn phòng, thư ký và trợ lý lãnh đạo... trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và tư nhân. Năm học 2024-2025, Học viện Quản lý giáo dục dự kiến tuyển sinh 150 cử nhân Quản trị văn phòng bằng phương thức xét tuyển. Phương thức 100 - Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với các tổ hợp môn A00, A01, C00, D01. Phương thức 200 - sử dụng kết quả học tập  bậc THPT theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm xét tuyển Học bạ được tính bằng Điểm TB học kỳ 1 năm lớp 11 + Điểm TB học kỳ 2 năm lớp 11 + Điểm TB học kỳ 1 năm lớp 12 +  Điểm ưu tiên. Điểm xét tuyển Học bạ không bao gồm điểm ưu tiên đạt từ 18,0 điểm trở lên./.

 

Bộ môn Quản trị văn phòng - Khoa Quản lý