Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục làm việc với Học viện Quản lý giáo dục để thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo.
Thực hiện Kết luận số 801/TB-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với Học viện Quản lý Giáo dục, ngày 19/9/2024, Học viện và Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý các cơ sở giáo dục đã tổ chức buổi làm việc thảo luận để xây dựng định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện nội dung cụ thể trong kết luận của Bộ trưởng đối với Học viện là: xây dựng chương trình, phương án bồi dưỡng tập huấn tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý của toàn ngành thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Tại buổi làm việc thay mặt cho lãnh đạo Học viện, PGS.TS Trần Hữu Hoan, Phó Giám đốc Học viện đã báo cáo thực trạng công tác bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trong thời gian qua và các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, theo đó hiện nay Học viện đang thực hiện bồi dưỡng thường xuyên 12 chương trình, trung bình mỗi năm bồi dưỡng khoảng 5.000 lượt học viên.
Cũng trong buổi làm việc này, PGS.TS Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện đã đề nghị Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục cùng các vụ, cục chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Học viện trong thời gian tới xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo hướng hiện đại, hiệu quả với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức.
PGS.TS Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện phát biểu tại cuộc họp
Sau khi thảo luận ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã đưa ra những vấn đề trọng tâm mà Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đề nghị Hoc viện Quản lý giáo dục phối hợp cùng thực hiện là:
1. Về phía Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục: Phối hợp với Học viện trong việc xây dựng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn; đồng thời xây dựng các chuẩn/khung năng lực về đội ngũ trong ngành giáo dục; góp ý về chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; xây dựng Luật Nhà giáo. Phối hợp với Học viện tổ chức các hội thảo, hội nghị và triển khai cá các đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ về công tác bồi dưỡng, chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
2. Về phía Học viện Quản lý Giáo dục: Học viện tăng cường nâng cao năng lực để trở thành đơn vị quan trọng, đầu mối trong xây dựng và tổ chức các chương trình bồi dưỡng CBQL cơ sở GD. Khảo sát kinh nghiệm, nhu cầu bồi dưỡng ở các CSGD trong nước và nước ngoài trên cơ sở đó nghiên cứu mô hình bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đảm bảo kiến thức cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn; xây dựng quy trình, tổ chức bồi dưỡng theo môdun, tổ chức các khoa bồi dưỡng học hỏi kinh nghiệm nước ngoài; xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xây dựng đội ngũ chuyên gia là các nhà lãnh đạo, quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của các cơ sở giáo dục đào tạo khác nhau, có kinh nghiệm để tham gia bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để góp phần thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trung tâm CNTT-TV.