Hội thảo khoa học Quốc gia năm 2023 “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018”

Ngày 6/10/2023 tại Thành phố Đà Nẵng, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục phối hợp với Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục đại học; công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục đại học với các địa phương trong bồi dưỡng cán bộ quản lý; thực trạng triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, Hội thảo thảo luận đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tới dự hội thảo có gần 250 đại biểu đến từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Lãnh đạo 51 Sở Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo các Trường Đại học Sư phạm, đại diện lãnh đạo Ban Giám đốc và các đơn vị trong Học viện Quản lý giáo dục, đại diện các Trường phổ thông, Các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên và các đại biểu quan tâm…

Phát biểu khai mạc TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ về định hướng nội dung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, ngoài các chương trình bồi dưỡng theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cần bồi dưỡng theo nhu cầu của từng địa phương. Việc này cần tổ chức một cách hệ thống, linh hoạt và phù hợp với thực tế.

Căn cứ trên 9 mô-đun thuộc Chương trình ETEP, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng như: Học viện Quản lý giáo dục và các trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu, thẩm định tài liệu bồi dưỡng trên cơ sở có sự tham gia, thẩm định và giám sát của các Vụ chức năng.

Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là đơn vị đầu mối nắm bắt thông tin, nhu cầu bồi dưỡng từ địa phương đề xuất để chỉ đạo và phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức triển khai nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đáp ứng các nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Đề cập đến thực trạng và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho hay, Học viện và 7 trường sư phạm đã thực hiện bồi dưỡng khoảng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và 76.000 cán bộ quản lý đại trà. Cùng với đó là bồi dưỡng cho khoảng 28.000 giáo viên cốt cán, 800.000 giáo viên đại trà.

Từ thực tiễn khách quan, PGS.TS Trần Hữu Hoan kiến nghị, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ giáo dục, ban hành chuẩn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng;

Thực hiện giao chỉ tiêu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, phù hợp với năng lực đào tạo, bồi dưỡng;

Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên chủ chốt của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Mặt khác, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông;

Các chương trình bồi dưỡng theo Chuẩn hiệu trưởng; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục theo lộ trình.

PGS.TS Trần Hữu Hoan đề xuất, những năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ kế hoạch bồi dưỡng; kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo từng năm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đối với các địa phương, Sở/Phòng GD&ĐT, PGS.TS Trần Hữu Hoan kiến nghị, cần quán triệt các văn bản của Đảng, Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Chủ động cụ thể hóa các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng kế hoạch của sở/phòng GD&ĐT; đồng thời, có biện pháp giải quyết đối với cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

 PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học nhấn mạnh làm sao nâng cao chất lượng đội ngũ Cán bộ quản lý? Nội dung tập trung vào bồi dưỡng năng lực hiệu trưởng trong xây dựng KHGD, tổ chức dạy học và giáo dục trong nhà trường, một số vấn đề trong phát triển năng lực quản trị tổ chức dạy học, giáo dục trong nhà trường để đáp ứng được nội dung đổi mới của chương trình giáo dục năm 2018 như: tính mở trong chương trình và giao quyền tự chủ cho các nhà trường, đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá, xác dịnh rõ vai trò của giáo viên vai trò của thiết bị dạy học và học liệu,…. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2028, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5512 gồm 09 modul: Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường, quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị chất lượng giáo dục, xây dựng VHNT, phối hợp gia đình nhà trường, xã hội, Ứng dụng CNTT trong dạy học, giáo dục,…. trong đó modul Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường đóng vai trò tiên quyết quan trọng để các modul khác sẽ đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Hiện nay nội dung giáo dục địa phương, hoat động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp,…. cũng đang vướng mắc trong việc hiểu phân bổ nội dung và thời lương học không giống như các môn học, hoạt động giáo dục khác,… Cần nhận thức một cách đồng bộ trong đội ngũ cán bộ quản lý trong việc giao quyền tự chủ trong tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục như: xây dựng kế hoạch quản trị nội dung, thời lượng phân bổ và điều phối dạy học/hoạt động giáo dục. Quản trị hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá: năng lực quản lý từ năng lực thiết kế giáo án (Nhấn mạnh: Hoạt động 2, hoạt động 3 là rất quan trọng chứ không phải chia nhỏ các tiết dạy); sinh hoạt tổ trưởng tổ nhóm chuyên môn: mấy hoạt động/ mục tiêu hoạt động/nội dung hoạt động/ dự giờ đánh giá (quan sát)/ Điều hành thảo luận của học sinh (mô tả hoạt động của học sinh, thảo luận về cái được, chưa được, thảo luận về nguyên nhân được chưa được, thảo luận bổ sung, hoàn thiện thêm,…)

TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học báo cáo nội dung gồm 2 phần:  Chương trình GDPT 2018: xây dựng thống nhất khung, mang tính mở phân cấp trong tổ chức thực hiện như thế nào? Và quản lý nhà nước về bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và thực trạng giáo dục tiểu học hiện nay. Kiến nghị và đề xuất.

Phiên thảo luận gồm báo cáo của đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường Sư phạm như: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo Bạc Liêu, Trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng…

Sau đây là một số hình ảnh về Hội thảo: