Hội thảo khoa học: Tham vấn quy định về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong dự thảo luật nhà giáo

Sáng ngày 11/6/2024, Học viện Quản lý giáo dục phối hợp với Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đồng tổ chức Hội thảo Khoa học: Tham vấn quy định về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong Dự thảo Luật Nhà giáo.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) có Nhà giáo Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, TS. Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý: TS Nguyễn Minh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, GS.TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chuyên gia cao cấp, Ông Nguyễn Huy Bằng, nguyên Chánh thanh tra Bộ GDĐT; GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Ngành Giáo dục học; đại diện Sở GDĐT Hà Nội, Sở GDĐT Hải Phòng, Sở GDĐT Ninh Bình; đại diện các cơ sở giáo dục đại học: GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, GS. TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên TS. Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, GS.TS Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc; đại diện các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Về phía Học viện Quản lý giáo dục có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hằng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện, PGS.TS. Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện, TS Phan Hồng Dương - Phó Giám đốc Học viện, PGS.TS Trần Ngọc Giao - nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện và đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm thuộc Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục khẳng định: Hội thảo khoa học này là một trong những sự kiện quan trọng được PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là đầu mối phối hợp với các vụ chức năng của Bộ GDĐT và Học viện Quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức để tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục trong cả nước để hoàn thiện hơn các cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn, việc đánh giá tác động chính sách của luật này đối xã hội nói chung và đối với sự phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, góp phần thúc sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời làm hoàn thiện hơn các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Nhà giáo. Với chủ đề Hội thảo hôm nay cần tập trung thảo luận các quy định về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Hiện, tổng số cán bộ quản lý giáo dục có hơn 154.200 người. Đội ngũ này hầu hết từ nhà giáo có thành tích khá, giỏi về chuyên môn được đề bạt làm công tác lãnh đạo, quản lý nên kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và quản trị trường học cần được đào tạo, bồi dưỡng tăng cường năng lực; những quy định về cán bộ quản lý giáo dục, chế độ chính sách, chuẩn chức danh; công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận, công nhận lại chức danh người đứng đầu và cán bộ quản lý sơ cở giáo dục là rất quan trọng và cần thiết mà Luật Nhà giáo sẽ cụ thể hóa do đó, rất mong Hội thảo này có có nhiều ý kiến đóng góp để góp phần hoạn thiện cơ sở khoa học, lý luận, thực tiễn để xây dựng các quy định cụ thể về cán bộ quản lý giáo dục trong Dự thảo Luật Nhà giáo.

PGS.TS Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện

Đến dự Hội thảo có Nhà giáo Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Báo cáo tổng quan về quá trình xây dựng Luật Nhà giáo và đặt ra những nội dung chính xin ý kiến theo chủ đề Hội thảo. Nhấn mạnh vai trò của Luật Nhà giáo, ông Đặng Văn Bình nhấn mạnh, Bộ đã kiên trì xây dựng Luật Nhà giáo suốt 20 năm qua. Quan điểm xuyên suốt của Bộ GDĐT là, xây dựng luật riêng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. “Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất và xây dựng Luật Nhà giáo phải trả lời câu hỏi: khi có Luật Nhà giáo thì nhà giáo sẽ được gì và có cơ hội để phát triển nghề nghiệp như thế nào?”

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục

Đề cập đến Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo, PGS.TS Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc, Học viện Quản lý giáo dục nhấn mạnh, cần coi trọng nâng cao đạo đức và năng lực nghề nghiệp của nhà giáo là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục.

Để hiện thực hóa chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cần thiết xây dựng quy định Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan kinh nghiệm quốc tế về chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục ở một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Australia, Canada, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc) và thực tiễn của giáo dục Việt Nam trong những năm qua về chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục, PGS.TS Trần Hữu Hoan đã chia sẻ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý và đề xuất chuẩn/khung năng lực của người đứng đầu cơ sở giáo dục sao cho phù hợp với từng cấp học mầm non, phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học; trong đó chuẩn/khung năng lực cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nên có 6 lĩnh vực: (1)Phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, (2) Quản trị chiến lược phát triển nhà trường, (3) Quản trị các hoạt động đào tạo, NCKH, HTQT và nguồn lực, (4) Phát triển mối quan hệ với cộng đồng, (5) Xây dựng môi trường giáo dục, (6) Phát triển năng lực bản thân với các tiêu chi, chỉ báo cụ thể tùy thuộc chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu loại hình cơ sở giáo dục để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành và hướng dẫn sử dụng chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

PGS.TS Trần Hữu Hoan Phó giám đốc Học viện

Cần có sự thay đổi về cơ chế, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục

Tham luận tại hội thảo, ông Đinh Văn Khâm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình nhận định việc bổ nhiệm cán bộ quản lý (nhất là cấp phó người đứng đầu) cơ sở giáo dục đào tạo cần phải căn cứ vào cơ cấu, loại hình, tính đặc thù của cơ sở giáo dục để quy định số lượng cấp phó người đứng đầu phù hợp ví dụ như trường phổ thông có nhiều cấp học, số lượng lớp, số lượng điểm trường, trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn … nhằm giúp cho cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường và lãnh đạo nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dự thảo Luật đưa ra Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục và quy định là căn cứ để các cơ quan, tổ chức theo thẩm quyền xem xét, quyết định việc quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận, không công nhận chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục đối với nhà giáo là phù hợp, tuy nhiên khi thực hiện công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận công nhận lại thì đây phải là cơ sở, tài liệu có trong hồ sơ bổ nhiệm, công nhận. Mặt khác Luật Nhà giáo cũng cần có quy định để khẳng định rõ hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn về giáo dục và đào tạo (Sở/Phòng GDĐT) trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, công nhận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Ông Đinh Văn Khâm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Ngành Giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, khái niệm về nhà giáo, cán bộ quản lý cần được thể hiện tỏ tường trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Có thực trạng là, nhiều giáo viên không muốn lên phòng GDĐT, sở GDĐT vì bị mất phụ cấp đứng lớp. Vì thế, nếu không thay đổi chính sách sẽ rất khó khi đề bạt giáo viên lên làm việc ở các đơn vị này.

“Chúng ta không thể quản lý nhà giáo như những viên chức vì sản phẩm của nhà giáo là con người và nhân cách. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra trong dự thảo Luật Nhà giáo” - GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi.

Từ thực tiễn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho rằng, đã đến lúc phải “trả lại tên”. Nghĩa là, thay đổi về chính sách quản lý nhà giáo. Theo đó, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT phải có thẩm quyền tuyển dụng, điều động giáo viên trên trong địa phương của mình. Giám đốc sở GDĐT phải có quyền cao nhất về lĩnh giáo dục ở địa phương.

Xây dựng Luật Nhà giáo cần tiếp cận theo hướng kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo để nhà giáo phát triển và đổi mới, sáng tạo, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đặt vấn đề: Nghề giáo là nghề sáng tạo, trong các nghề sáng tạo do vậy môi trường cần đổi mới, cần tiếp cận theo hướng giáo dục mở, với không gian làm việc mở thì Luật Nhà giáo cần có cách tiếp cận có tính mở, sáng tạo và phù hợp về nhà giáo và cán bộ quản lý. Luật nên có quy định về các lực lượng tham gia vào hoạt động dạy học và giáo dục (ví dụ như doanh nhân, nghệ nhân, lực lượng trong các cơ sở thực hành, phối hợp trong đào tạo…), Luật nên khai mở vấn đề này khi đề cập đến nhà giáo. Quản trị gắn với đổi mới sáng tạo, chức năng quản trị dẫn dắt của hội đồng trường chưa nhiều, trường tư, công ty giáo dục, người nước ngoài làm giáo dục sẽ phổ biến trong tương lai nên cần có quy định cụ thể về đội ngũ này, làm sao để có hành lang pháp lý đầy đủ để phát huy được các yếu tố này.

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục

Theo GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục: Luật nên đưa vào làm rõ tính nghề nghiệp chuyên biệt của cán bộ quản lý giáo dục khi được được bổ nhiệm, công nhận từ nhà giáo thành cán bộ quản lý vì cán bộ quản lý giáo dục ở cấp mầm non, phổ thông và đại học là khá có nhiều khác biệt. Cán bộ quản lý giáo dục có được khởi nghiệp, kinh doanh hay không (có được thành lập công ty không)? Nhà giáo có được có được hành nghề khác không, có được dạy thêm không? Nên cần xem xét kỹ vấn đề này. Vấn đề có hay không được phép bổ nhiệm cán bộ quản lý là nhà giáo ký hợp đồng lao động chưa qua tuyển dụng tại các cơ sở giáo dục công lập cũng cần phải được làm rõ trong quá trình xây dựng và thực hiện Luật.

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục

Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS. Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục bảy tỏ: Cần có sự rà soát, đối sánh với Luật Viên chức để các quy định của Luật Nhà giáo không bị xung đột với Luật viên chức về chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý, đây là vấn đề khó nhưng là cần thiết để đảm bảo chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tạo cơ sở pháp lý, môi trường giao dục mở - tính sáng tạo đối với nhà giáo. Luật Nhà giáo cũng nên quy định rõ hơn nữa cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý rõ ràng về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

PGS.TS. Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý

Kết thúc Hội thảo PGS.TS Phạm Văn Thuần – Giám đốc Học viện thay mặt cho Ban Tổ chức mong muốn nhận được sự góp ý bằng văn bản của các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý về nhũng vấn đề liên quan đến tham vấn chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trong Dự thảo Luật Nhà giáo nói chung và góp ý các nội dung khác của Dự thảo Luật Nhà giáo nói riêng. Luật Nhà giáo sẽ được thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 (năm 2024) và Kỳ họp thứ 9 năm 2025 của Quốc hội khóa XV, vì vậy việc hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà giáo đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Đảng và Nhà nước.

Hình ảnh Hội thảo khoa học: “Tham vấn quy định về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong dự thảo luật nhà giáo”