Khoa Quản lý đi thực tế tại Quảng Ninh nhiều thu hoạch bổ ích

Với mục đích tìm hiểu thực tiễn quản lý tại cơ sở để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, tăng tính thực tiễn trong các bài giảng; Đồng thời tìm hiểu và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong hoạch định chính sách phát triển giáo dục thích ứng với vùng, miền, khoa Quản lý đã xây dựng kế hoạch đi thực tế tại Quảng Ninh.
Khoa Quản lý đi thực tế tại Quảng Ninh nhiều thu hoạch bổ ích

Theo kế hoạch đã được lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục phê duyệt, từ ngày 24 tháng 11 đến hết ngày 27 tháng 11 năm 2011, tập thể cán bộ giảng viên khoa Quản lý đã đến làm việc với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Đồn, trường Tiểu học Cẩm Thủy, huyện Cẩm Phả và trường tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Hạ Long.
Trong buổi làm việc với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Đồn, đoàn đã được nghe lãnh đạo phòng Giáo dục báo cáo về hoạt động quản lý các cấp bậc học trên địa bàn năm học 2010-2011 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2011-2012. Sau khi nghe báo cáo cán bộ giảng viên của Khoa đã cùng trao đổi để thấy rõ hơn công tác quản lý giáo dục ở một huyện đảo với nhiều xã đảo và vùng sâu để thấy được các khó khăn và cách làm sáng tạo của cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt nội dung được nhiều cán bộ giảng viên quan tâm trao đổi là vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia tại các xã đảo, kinh nghiệm xây dựng đội ngũ giáo viên và biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học ở vùng này; Một nội dung cũng được đoàn cán bộ giảng viên khá quan tâm đó là vấn đề thực hiện đề án phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Qua trao đổi đoàn đã thấy rõ cách triển khai của lãnh đạo phòng giáo dục huyện Vân Đồn tại các vùng sâu, đồng bào dân tộc sinh sống và một số xã hải đảo thông qua việc mở lớp tận xã bản, luân chuyển giáo viên, hỗ trợ trong điều kiện có thể và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để xóa vùng trắng giáo dục và thực hiện có hiệu quả đề án này tại các vùng khó khăn của huyện.
Chiều 25.11 đoàn đã có buổi làm việc với trường tiểu học Cẩm Thủy. Tại đây, qua trao đổi với các cô giáo hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường về vấn đề xây dựng cơ sở vất chất trường học. Qua trao đổi thấy rõ: khi xây dựng trường, lãnh đạo nhà trường không được tham gia xem xét thiết kế, các đề nghị điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với yêu cầu sử dụng của nhà trường không được tiếp thu kịp thời đã dẫn đến những bất cập trong sử dụng. Điều này đặt ra cho các cơ quan quản lý cấp trên cần xem xét lại cách quản lý, đầu tư xây dựng trường lớp và cần thiết phải có sự tham gia của các cán bộ quản lý trường học trong quá trình phê duyệt thiết kế và triển khai.

        Khoa Quản lý đi thực tế tại Quảng Ninh nhiều thu hoạch bổ ích                                           

Ngày 26 tháng 11 đoàn làm việc tại trường tiểu học Trần Quốc Toản thành phố Hạ Long. Tại đây đoàn đã được cán bộ giáo viên nhà trường đón tiếp và trao đổi cụ thể về quá trình xây dựng và trưởng thành của nhà trường trong 11 năm qua. Trong đó hai bên tập trung trao đổi vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục tiểu học và công tác xã hội hóa giáo dục. Với lòng tâm huyết, hiệu trưởng Trần Hồng Tiến đã báo cáo chi tiết quá trình xây dựng báo cáo tự đánh giá của nhà trường trong 7 tháng và thành quả đạt được của trường- là trường phổ thông đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục năm 2010.
Qua báo cáo của nhà trường một lần nữa khẳng định nếu nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng, tạo được uy tín trong cộng đồng, công khai minh bạch các khoản thu- chi thì sẽ luôn nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Cách vận động sự ủng hộ từ xã hội thông qua thư ngỏ là cách làm hiệu quả của trường Trần Quốc Toản trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên qua báo cáo của trường Trần Quốc Toản cũng cho thấy cách chỉ đạo thực hiện của ngành trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục còn những vấn đề cần xém xét nếu không quá trình tự đánh giá sẽ có lúc phải “dựng” lại hồ sơ để có đủ minh chứng theo yêu cầu, gây mất nhiều thời gian công sức của mỗi tập thể nhà trường, thậm chí có nguy cơ dẫn đến bệnh thành tích. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những qui định cụ thể hơn hệ thống hồ sơ, sổ sách và quản lý hành chính trong các trường học để việc thực hiện có hiệu quả.
Có thể nói chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh đã đem đến cho cán bộ giảng viên khoa Quản lý nhiều thu hoạch bổ ích. Hy vọng các giảng viên sẽ có sự liên hệ sinh động trong các bài giảng, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tổ chức các chuyến khảo sát thực tế là điều không thể thiếu trong công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên của Học viện hiện nay. Rất mong lãnh đạo Học viện tiếp tục tạo điều kiện cả về thời gian và kinh phí để cán bộ giảng viên các đơn vị tổ chức có hiệu quả các đợt thực tế tại cơ sở.

                                                                                                       Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2011.
                                   Phó chủ nhiệm khoa Quản lý 
                                Th.S Nguyễn Thị Tuyết Hạnh