Những bài học Quản lý từ chuyến đi thực tế tại Thanh Hóa

Thực hiện kế hoạch năm 2012 đã được lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục phê duyệt, từ ngày 02 tháng 8 đến hết ngày 04 tháng 8 năm 2012, tập thể cán bộ giảng viên khoa Quản lý đã tổ chức đi thực tế tại Thanh Hóa.
Với mục đích tìm hiểu thực tiễn quản lý tại cơ sở để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, tăng tính thực tiễn trong các bài giảng; Đồng thời tìm hiểu và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong hoạch định chính sách phát triển giáo dục thích ứng với vùng, miền, khoa Quản lý đã đến thăm và làm việc với trường Tiểu học Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn và Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Những bài học Quản lý từ chuyến đi thực tế tại Thanh Hóa

Trong buổi làm việc với trưởng Tiểu học Bắc Sơn, đoàn đã được nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo về hoạt động của nhà trường và một số kinh nghiệm quản lý. Báo cáo của Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hồng cho thấy những cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ. Là một trường tiểu học đóng trên địa bàn phường Bắc Sơn, là phường có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nhất của thị xã Sầm Sơn nên trường cũng có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, do sự phát triển mạnh của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, kinh tế của địa phương có những tăng trưởng nhất định, nhưng cạnh đó cũng có những ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường (sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn dẫn đến một bộ phận học sinh thuộc các gia đình có thu nhập rất cao, một bộ phận học sinh lại là con em các hộ nghèo; một số học sinh tham gia vào các hoạt động kinh doanh của gia đình, lơ là học tập; một số học sinh có bố mẹ, người thân vi phạm pháp luật, tham gia vào tệ nạn xã hội …). Song với tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ giáo viên dưới sự lãnh đạo của đội ngũ cán bộ quản lý tâm huyết, trách nhiệm, có trình độ và đồng thuận nên trường tiểu học Bắc Sơn đã đạt được những kết quả cao. Liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.
Có được những kết quả đó là do nhà trường đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm và triển khai các biện pháp quản lý phù hợp. Cụ thể là:
- Trường chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ, coi đây là biện pháp quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường. Tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ. Đến nay tổng số 37 giáo viên của trường đều đạt chuẩn, trong đó có 94% trên chuẩn. Chú trọng xây dựng đội ngũ cốt cán vê chuyên môn, kế cận về quản lý.
- Kiên trì tham mưu, liên tục tham mưu, tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo chính quyền địa phương và các nhà đầu tư để được hỗ trợ về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học và giáo dục.
- Đảm bảo chất lượng giáo dục trên cơ sở làm tốt công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi; duy trì chất lượng đại trà, thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đúng chương trình qui định. Chia đều học sinh thuộc các đối tượng khác nhau vào các lớp; Chú ý giáo dục hòa nhập với các đối tượng học sinh “đặc biệt”.
- Quản lý giáo dục mũi nhọn với các biện pháp tuyển chọn học sinh vào đội tuyển, chọn và phân công giáo viên dạy đội tuyển công khai, dân chủ; tạo động lực làm việc cho giáo viên trên cơ sở phân công đúng người, đúng việc; hài hoà giữa yêu cầu về năng lực chuyên môn với đáp ứng nguyện vọng chính đáng của giáo viên; xây dựng định mức khen thưởng hợp lý; Đánh giá công khai và công bằng kết quả làm việc của cán bộ giáo viên…

Những bài học Quản lý từ chuyến đi thực tế tại Thanh Hóa

Tuy nhiên, hiện nay thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục thị xã Sầm Sơn về kiểm tra chéo chất lượng giáo dục có những vấn đề cần phải xem xét. Việc sử dụng giáo viên lớp trên khảo sát kết quả giáo dục lớp dưới trong cùng một cấp học, hoặc đánh giá chéo giữa trường tiểu học này với trường tiểu học khác là phù hợp và đảm bảo khách quan. Nhưng việc sử dụng giáo viên THCS để khảo sát chất lượng giáo dục lớp 5 của trường tiểu học là chưa phù hợp, gây nhiều áp lực và sự không thống nhất trong đánh giá. Đây cũng là một tình huống thực tiễn để các giảng viên khoa Quản lý nghiên cứu thêm để có những nhận định khoa học, tham mưu cho địa phương trong việc thực hiện, nhằm góp phần làm cho công tác quản lý trường học hướng tới mục tiêu chất lượng và hiệu quả.

Những bài học Quản lý từ chuyến đi thực tế tại Thanh Hóa

Sáng ngày 03 tháng 8 năm 2012, đoàn đã có buổi làm việc với Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Sầm Sơn. Tại đây, đoàn đã được trao đổi trực tiếp với Ban giám đốc Trung tâm và các cán bộ, giáo viên của Trung tâm về nhiều vấn đề trong thực hiện nhiệm vụ của trung tâm. Qua trao đổi cho thấy những đặc thù trong hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay và một số khó khăn mà các TTGDTX đang gặp phải như: 
- Mô hình hoạt động đa dạng, không thống nhất;
- Chưa có qui định hướng dẫn thực hiện xây dựng cơ cấu tố chức bộ máy, biên chế hoạt động cụ thể và cơ chế cấp kinh phí hoạt động phù hợp với mô hình TTGDTX các cấp.
- Việc xếp hạng trung tâm mới có lợi cho CBQL trung tâm, chưa có lợi gì đối với trung tâm GDTX. 
- Chế độ chính sách đối với cán bộ giáo viên còn có chỗ chưa bình đẳng với các giáo viên có cùng nhiệm vụ ở các cơ sở giáo dục khác (chẳng hạn chế độ cho giáo viên tham gia làm công tác thi tốt nghiệp)…
Tuy vậy, TTGDTX- DN Sầm Sơn đã có những cố gắng, năng động trong  triển khai nhiệm vụ nên đã thu được những kết quả, đảm bảo Trung tâm hoạt động ổn định và không ngừng phát triển.

Những bài học Quản lý từ chuyến đi thực tế tại Thanh Hóa

Với sự tân tậm, đoàn kết, năng động của tập thể CBQL Trung tâm mà đứng đầu là Giám đốc Phan Hùng Sơn đã khéo léo trong xây dựng các mối quan hệ và hoạch định chiến lược phát triển; chủ động đón bắt cơ hội để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Trung tâm. Là một TTGDTX hoạt động theo mô hình GDTX kết hợp với dạy nghề, trung tâm đã phát huy vai trò của mình trong việc dạy văn hóa cho một bộ phận học sinh; thực hiện phổ cập giáo dục THCS và THPT trên địa bàn. Khai thác các ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt Lãnh đạo trung tâm luôn lắng nghe, khai thác các dự án để mở các lớp dạy nghề phù hợp. Hàng năm Trung tâm đã mở các lớp cập nhật kiến thức nghề du lịch và đánh bắt hải sản cho 1.500 đến 3.000 học viên, đào tạo nghề thuyền trưởng cho hàng trăm lượt học viên; Thực hiện đào tạo nghề kết hợp với dạy văn hóa đối với Học sinh tốt nghiệp THCS sau 3 năm học vừa tốt nghiệp THPT vừa có bằng nghề…Đẩy mạnh hoạt động giáo dục đạo đức, duy trì nền nếp, đảm bảo chất lượng giáo dục để tạo niềm tin trong cộng đồng, là cơ sở để tuyển sinh đủ và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. TTGDTX- DN Sầm Sơn cũng tham gia tích cực vào các hoạt động tư vấn nghề, phân luồng học sinh sau THCS, kết hợp với các trường THCS trên địa bàn, nhân các cuôc họp PHHS để tuyên truyền định hướng nghề nghiệp, phát tờ rơi, tuyển sinh… Thầy Sơn Giám đốc Trung tâm đã trao đổi rất chân thành, “bật mí” nhiều kinh nghiệm quản lý hay, thể hiện là một giám đốc có năng lực, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm.
Qua buổi làm việc, cán bộ giáo viên TTGDTX- DN sầm Sơn cũng gửi gắm qua đoàn một số đề xuất để Học viện tham mưu cho Bộ Giáo dục trong việc xây dựng cơ chế chính sách đối với TTGDTX, như
- Có qui định cụ thể về cơ cấu tổ chức bộ máy của TTGDTX, có khung cứng với số lượng CB, NV phù hợp với hạng của TT và được cấp kinh phí hoạt động phù hợp;
- Hàng năm nên tổ chức bồi dưỡng CBQLTTGDTX tập trung tại Học viện QLGD để các CBQL trung tâm cả nước có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
- Tổ chức những lớp bồi dưỡng cho giáo viên của TTGDTX về các kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng dạy học người lớn, kỹ năng điều tra, khảo sát nhu cầu xã hội, kỹ năng xây dựng chương trình giáo dục…

Những bài học Quản lý từ chuyến đi thực tế tại Thanh Hóa

Có thể nói chuyến đi thực tế tại Thanh Hóa đã đem đến cho cán bộ giảng viên khoa Quản lý nhiều thu hoạch bổ ích. Hy vọng các giảng viên sẽ có sự liên hệ sinh động trong các bài giảng, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tổ chức các chuyến khảo sát thực tế là điều không thể thiếu trong công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên của Học viện hiện nay. Tuy nhiên các khoa vẫn gặp những khó khăn nhất định để thực hiện (thời gian, kinh phí hạn hẹp). Rất mong lãnh đạo Học viện tiếp tục tạo điều kiện cả về thời gian và kinh phí để cán bộ giảng viên các đơn vị tổ chức có hiệu quả các đợt thực tế tại cơ sở.

    Hà Nội, ngày 6 tháng 8  năm 2012
Nguyễn Thị Tuyết Hạnh- Khoa Quản lý