Chiến lược phát triển

TÓM LƯỢC CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CỦA HỌC VIỆN QUẢN LÝ GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2020 – 2030, TẦM NHÌN 2035

I. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN VÀ CÁC GIÁ TRỊ

1. Sứ mạng

Học viện Quản lý giáo dục là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn về quản lý giáo dục, cung cấp nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài ngành giáo dục, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

2. Tầm nhìn

Học viện Quản lý giáo dục phấn đấu trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành với ưu thế cốt lõi là quản lý giáo dục và các ngành có liên quan mật thiết với giáo dục; hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo và phát triển nguồn cán bộ quản lý, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng hiện đại của Việt Nam và thế giới.

3. Giá trị cốt lõi:

Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Hợp tác

- Học viện cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội trong tất cả các lĩnh vực hoạt động bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

- Học viện xây dựng các quy trình quản lý và thực hiện các hoạt động, từng thành viên thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện quy trình.

- Học viện duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế để triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

 

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2020 - 2030

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Học viện Quản lý giáo dục (NAEM) trở thành một trung tâm đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao, có năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến, có môi trường mở về tri thức, gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng với phục vụ cộng đồng, có quan hệ quốc tế rộng rãi, giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và tư vấn chính sách, cải cách giáo dục.

Đến năm 2030, Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong nước và khu vực về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, cung cấp dịch vụ về giáo dục nhất là quản lý giáo dục; đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật hiện đại; có quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học rộng rãi trong và ngoài nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể

2.2.1. Về tổ chức bộ máy

Bộ máy tổ chức được tái cấu trúc theo hướng tinh gọn đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản trị điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của từng đơn vị của Học viện; chú trọng hoàn thiện cơ chế điều hành, hoạt động đối với phân hiệu của Học viện Quản lý giáo dục tại cơ sở Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

2.2.2.  Về nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, số lượng, cơ cấu giữa giảng viên, nghiên cứu viên với viên chức hành chính phục vụ, cơ cấu độ tuổi, đúng chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện hiệu quả đề án vị trí việc làm cam kết và thực hiện trách nhiệm giải trình minh bạch và xây dựng văn hoá tổ chức.

Xây dựng được đội ngũ chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học mạnh về số lượng và chất lượng, tiên phong trong phát triển và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. 

2.2.3.  Về đảm bảo chất lượng

Xây dựng, thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng, tạo được cơ chế đảm bảo chất lượng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các đơn vị tổ chức đoàn thể và mọi thành viên của Học viện. Các chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc gia, có lộ trình thực hiện kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, chương trình chi tiết học phần trong chương trình bồi dưỡng được cập nhật (ít nhất 2 năm/lần) để phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của ngành, nhu cầu địa phương và tình hình thực tiễn.

2.2.4.  Về đào tạo và bồi dưỡng

Học viện cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn, tiên tiến về lãnh đạo, quản lý giáo dục và các lĩnh vực liên quan. Học viện tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của các tổ chức, cá nhân về phát triển năng lực nghề nghiệp và chuyên môn, năng lực hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực học tập suốt đời về lãnh đạo và quản lý giáo dục và các lĩnh vực liên quan, góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam.

2.2.5.  Về nghiên cứu khoa học và phát triển

Thực thi các chính sách hoạt động nghiên cứu; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, khoa học giáo dục, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học thông qua việc gia tăng các công trình được đăng trong các tạp chí có tên trong danh mục của ISI, SCI, Scopus... xuất bản sách, giáo trình.

2.2.6. Về tư vấn chính sách

Học viện tham mưu, tư vấn cho ngành GD&ĐT, các địa phương và các cơ sở giáo dục về chiến lược, chính sách giáo dục, đổi mới lãnh đạo và quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

2.2.7.  Về hợp tác và trao đổi học thuật

Học viện mở rộng hợp tác, trao đổi học thuật với các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế, đặc biệt với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý giáo dục của Việt Nam; xây dựng mạng lưới trao đổi học thuật về quản lý giáo dục, xây dựng và phát triển chương trình hành động cho các giảng viên, chuyên gia của Học viện Quản lý giáo dục tham gia vào các dự án quốc tế; cung cấp các dịch vụ cộng đồng nhằm áp dụng các phương pháp tiếp cận tiên tiến trong nghiên cứu và đào tạo về lãnh đạo, quản lý giáo dục và phát triển nhân lực quản lý giáo dục.

2.2.8.  Về cơ sở vật chất

Xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH; tăng cường áp dụng tin học hóa các hoạt động của Học viện.

2.2.9.  Về tài chính

Xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các nguồn thu, tăng cường các giải pháp nâng cao tự chủ tài chính; thực hiện quản lý điều hành công khai, minh bạch thu, chi tài chính, tạo chủ động cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.