Cần trả lại sự tôn nghiêm cho mối quan hệ thầy - trò
Sự việc "Nam sinh tát cô giáo trên bục giảng" gây xôn xao dư luận vừa qua, diễn ra trong tháng 5/2020, tại trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, Hà Nội đã được các cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc cũng để lại nhiều điều suy ngẫm dưới góc độ giáo dục. Học viện Quản lý giáo dục trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn TS. Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục do PV báo điện tử Dân trí thực hiện:
Dân trí Giáo viên ngày nay dễ bị tổn thương, yếu thế. Không xử lý cẩn thận, khi thái độ nghề nghiệp của các nhà giáo bị tổn thương, sự nghiệp đổi mới giáo dục của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đó là nhấn mạnh của TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục.
Sự việc "Nam sinh tát cô giáo trên bục giảng" gây xôn xao dư luận vừa qua, diễn ra trong tháng 5/2020, tại trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, Hà Nội đã được các cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc cũng để lại nhiều điều suy ngẫm dưới góc độ giáo dục.
Những hậu quả về mặt giáo dục gây ra quá lớn
Phóng viên: Là một nhà giáo, chuyên gia tâm lý học trường học, người tích cực thúc đẩy phong trào xây dựng trường học hạnh phúc trong thời gian qua, ông có cảm nhận như thế nào khi nghe thông tin về vụ việc đáng tiếc này?
TS. Hoàng Trung Học: Cảm nhận đầu tiên khi tiếp nhận thông tin, xem những hình ảnh về hành vi bạo lực của học sinh với cô giáo là đau lòng, thất vọng và giận dữ. Tôi miên man mãi với suy nghĩ, học sinh sẽ học được gì về tri thức và đạo đức nếu em có thể thực hiện hành vi bạo lực với người đang dạy dỗ mình? Các bạn học sinh khác sẽ học tập và phát triển như thế nào khi chứng kiến hành vi bạo lực của bạn mình với người thầy đang dạy các em ngay trên lớp học? Và học sinh đưa clip này lên mạng nhằm mục đích gì? Nhân cách của em đó có bình thường không?
Sau cùng, tôi cảm thấy thực sự xót xa cho các đồng nghiệp của mình khi làm việc. Họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, sức ép khi thực hiện sứ mệnh của người làm thầy trong giai đoạn đổi mới giáo dục, nhưng dường như sự an toàn của họ đang trở nên mong manh.
Thậm chí, giáo viên ngày nay trở thành một bên dễ bị tổn thương, yếu thế! Không xử lý cẩn thận, khi thái độ nghề nghiệp của các nhà giáo bị tổn thương, sự nghiệp đổi mới giáo dục của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hình ảnh đau xót trong Clip "nam sinh tát giáo viên" gây xôn xao dư luận vừa qua.
Phóng viên: Vụ việc đáng tiếc đã diễn ra trong năm 2020, đã được xử lý với việc buộc thôi học 1 năm với học sinh có hành vi bạo lực. Ông đánh giá như thế nào về cách xử lý này?
TS. Hoàng Trung Học: Có thể nhận thấy rằng, Hội đồng kỷ luật đã phân tích kỹ yếu tố tâm lý và sự thiếu tự chủ của học sinh khi gây ra vụ việc. Học sinh được xác định là đang có những khó khăn tâm lý nghiêm trọng khi thực hiện hành động này.
Dưới phương diện của một nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực tâm lý học trường học, tôi đánh giá đây là cách xử lý mang đậm tính nhân văn, bao dung và khá phù hợp nếu học sinh được xác định là hành động trong lúc đang gặp những rối nhiễu về cảm xúc (theo thông tin là học sinh đang có dấu hiệu bị trầm cảm).
Tuy nhiên, những hậu quả về mặt giáo dục mà vụ việc gây ra là quá lớn. Nó có tác động trực tiếp, tiêu cực đến tâm trạng, thái độ nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và tư tưởng của nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông - những nhân cách đang trong giai đoạn định hình thành thế giới quan và niềm tin đạo đức.
Về mặt giáo dục, những vụ việc tương tự kiểu này cần được phòng ngừa để nó không có cơ hội và không thể diễn ra, đảm bảo sự tôn nghiêm, mô phạm trong môi trường giáo dục và sự uy nghiêm của mối quan hệ thầy - trò. Khi đã xảy ra, phải xử lý thì mọi biện pháp xử lý dù quyết liệt đến mấy cũng chỉ mang tính tình thế.
TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục.
Giáo viên phải có năng lực phát hiện và xử lý những vấn đề bất thường trong tâm lý của học sinh
Phóng viên: Với tư cách là người nghiên cứu về tâm lý học trường học, theo ông cần làm gì để phòng ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai?
TS. Hoàng Trung Học: Việc phòng ngừa các vụ việc tương tự có ý nghĩa quan trọng, phải được tiếp cận theo nhiều hướng, nhiều góc độ, từ phương diện quản lý, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giáo dục cho đến sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trong quá trình hỗ trợ học sinh.
Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong tất cả các cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phòng ngừa là giáo viên phải có năng lực phát hiện và xử lý những vấn đề bất thường trong tâm lý của học sinh, đặc biệt là các học sinh đang gặp những rối nhiễu về hành vi, cảm xúc hoặc những vấn đề đặc biệt về thái độ, nhận thức trong quá trình học tập.
Khi những vấn đề này không được giáo viên nhận diện đúng, kịp thời, không đưa ra được những tác động giáo dục, dạy học phù hợp trên nền tảng của những kiến thức tâm lý học trường học, thì hiệu quả giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và những vụ việc tương tự như trong clip này sẽ có cơ hội tái diễn.
Cụ thể, nếu nhận diện được những biểu hiện tâm lý của hiện tượng trầm cảm và nguy cơ hành vi hung tính ở học sinh này thì giáo viên sẽ có tác động phù hợp, không để cho hành vi bạo lực của học sinh có cơ hội diễn ra, làm khó cho mình và cả quá trình phát triển của học sinh.
Nhà giáo hạnh phúc sẽ có những học sinh hạnh phúc
Phóng viên: Vậy đội ngũ giáo viên hiện nay "hổng" kiến thức về tâm lý học đường?
TS. Hoàng Trung Học: Cũng phải thành thật mà đánh giá, đội ngũ giáo viên của ta chưa được đào tạo thực sự bài bản về những kiến thức tâm lý học đường quan trọng này.
Mô hình tham vấn học đường của ta đã triển khai nhưng chưa được quan tâm đúng mức và phát huy hiệu quả như kỳ vọng trong các nhà trường. Đặc biệt, trong các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, hầu như mô hình này chưa được triển khai. Đây là điều rất đáng tiếc!.
Trước hết, cần thấy rằng, học sinh trong các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có nhiều đặc thù tâm lý hơn so với học sinh tại các môi trường giáo dục khác. Nhiều em có khó khăn về tâm lý ở mức nghiêm trọng. Động cơ, thái độ học tập và hành vi của học sinh cũng có nhiều điểm khác biệt.
Do đó, giáo dục các học sinh này, các nhà giáo cũng vất vả hơn nhiều. Để làm tốt công việc giáo dục trong các môi trường giáo dục này đòi hỏi các nhà giáo phải vận dụng được sâu sắc các kiến thức về tâm lý học trường học theo cách tiếp cận giáo dục "cá lẻ" mới mong mang lại hiệu quả giáo dục như mong muốn.
Tuy nhiên, việc vận dụng kiến thức tâm lý và mô hình tham vấn học đường trong các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hầu như chưa được quan tâm. Điều này chúng ta cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Tiếp theo, đổi mới giáo dục đang đòi hỏi người giáo viên phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương pháp thực hiện, hướng tới thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới và xây dựng trường học hạnh phúc.
Tuy nhiên, để làm được điều này, người giáo viên cần cảm nhận được hạnh phúc, sự tôn trọng và phải được cung cấp những công cụ sắc bén để xây dựng trường học hạnh phúc.
Muốn vậy, phải giúp các nhà giáo vận dụng thành công kiến thức tâm lý vào trong các hoạt động giáo dục và dạy học, vì đây là nguyên lý, là nền tảng khoa học của hoạt động giáo dục và mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc.
Khi có những nhà giáo hạnh phúc, chúng ta sẽ có những học sinh hạnh phúc, trường học hạnh phúc và những vụ việc đáng tiếc tương tự như trên sẽ không có cơ hội diễn ra.
Thầy cô hạnh phúc sẽ có những học sinh hạnh phúc
Chương trình học ở trường sư phạm còn nặng về lý thuyết
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ nhà giáo còn nhiều hạn chế là do quá trình đào tạo trong các trường sư phạm chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, theo ông giải quyết vấn đề này như thế nào?
TS. Hoàng Trung Học: Nhìn nhận trong vai trò của người từng tham gia đào tạo giáo viên tại trường Đại học sư phạm Hà Nội và hiện nay đang đào tạo các cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học trường học, Tâm lý học lâm sàng, Quản lý giáo dục tại Học viện quản lý giáo dục, tôi cho rằng, trong hệ thống các trường sư phạm của chúng ta hiện nay đã có hệ thống các học phần liên quan đến kiến thức tâm lý - giáo dục căn bản.
Nội dung chương trình này khá đầy đủ nhưng vẫn nặng về lý thuyết, đôi khi chưa theo kịp những diễn biến tâm lý của học sinh hiện nay.
Có thể nhận thấy, dưới sự tác động mạnh mẽ của những thay đổi trong môi trường sống, dinh dưỡng và khoa học công nghệ, những đặc điểm tâm lý của học sinh hiện nay đã khác rất xa thế hệ học sinh 5 năm trước. Điều này yêu cầu chương trình đào tạo của các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo về Tâm lý học trường học phải được xây dựng lại hoặc cập nhật cho phù hợp.
Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở đào tạo về tâm lý học giáo dục đã có những thay đổi quyết liệt để khỏa lấp khoảng trống này.
Chẳng hạn, trong vai trò là một trong những cơ sở đào tạo các chuyên gia tâm lý học trường học, tâm lý học lâm sàng có uy tín tại miền Bắc, Học viện quản lý giáo dục xác định rất rõ năng lực trọng tâm của các cử nhân Tâm lý học trường học và Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng (trong học đường) là phải có năng lực chẩn đoán, đánh giá, phòng ngừa và can thiệp các vấn đề tâm lý cho học sinh, giáo viên, từ đó đảm bảo tốt nhất sức khỏe tâm thần học đường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục và dạy học hiệu quả.
Hiện nay, các sinh viên, học viên của chúng tôi sau khi tốt nghiệp đều thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, trợ giúp tâm lý trong môi trường học đường. Hy vọng, trong thời gian tới, khi đội ngũ này được đào tạo với số lượng đủ lớn sẽ phát huy tích cực vai trò của mình trong môi trường học đường, đặc biệt là trong việc hỗ trợ học sinh gặp khó khăn tâm lý và nghiệp vụ cho các giáo viên trong quá trình giáo dục.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Tiến sĩ!
Hồng Hạnh