Hội thảo khoa học quốc gia: Phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay

Ngày 06/12/2024, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Học viện Quản lý Giáo dục đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: Phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Tham dự Hội thảo Khoa học quốc gia có TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, Giáo sư Ellen Pereira, lãnh đạo cấp cao Trường Đào tạo dự bị Đại học tiếng Anh và học tập trọn đời thuộc Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV); PGS.TS Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc Quốc hội Khóa XV- Thành viên Hội đồng trường Học viện Quản lý giáo dục, PGS.TS nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang; bà Nguyễn Hoài Thuý Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang; ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang và hơn 200 đại biểu đại diện cho lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo, các phòng chuyên môn của sở giáo dục và đào tạo, trưởng phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các trường phổ thông của 45 tỉnh thành trên cả nước.   

Về phía Học viện Quản lý giáo dục, có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện và các thầy cô trong Ban Giám đốc Học viện, cùng hơn 30 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên đại diện cho đội ngũ viên chức của Học viện tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát biểu

Khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia: Phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay, Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nhấn mạnh: “cán bộ là gốc của mọi việc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: cán bộ quản lý giáo dục là hạt nhân tạo động lực, điều hành hoạt động của các cơ sở giáo dục, cán bộ QLGD còn phải là nhà sư phạm giỏi, nhà chuyên môn giỏi. Hiện nay cả nước có hơn 60 nghìn cán bộ QLGD phổ thông, phần lớn số CBQLGD này họ đều trưởng thành từ giáo viên, chưa được đào tạo bài bản về quản lý, quản trị nhà trường, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc tự học hỏi, tìm hiểu. Trong khi cùng với sự phát triển của giáo dục, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng cao, chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị nhà trường theo hướng tự chủ và trách nhiệm giải trình. Vì vậy vấn đề phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị nhà trường cho đội ngũ này là cần thiết để đảm bảo cho thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thành công. Do đó sau Hội thảo khoa học hôm nay Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ QLGD để hoàn thiện khung năng lực của cán bộ QLGD; ban hành chính sách đối với đội ngũ GV, cán bộ QLGD; phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ QLGD để hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng này. Đối với Học viện Quản lý Giáo dục khảo sát nhu cầu, xây dựng tài liệu bồi dưỡng, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng, phối hợp với địa phương thực hiện tốt các chương trình bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD. Đối với địa phương cần đánh giá hiệu quả công tác bồi dưỡng, chất lượng cán bộ QLGD; xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng cán bộ QLGD và phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng khác để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ QLGD.    

PGS.TS. Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện phát biểu

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục trân thành cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục Trung học, các tác giả, nhà khoa học đã viết bài và tham dự Hội thảo khoa học ngày hôm nay; ghi nhận sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao của các nhà khoa học đối với công tác bồi dưỡng cán bộ QLGD nói chung, hoạt động phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục nói riêng. Thiết nghĩ rằng, sự kỳ vọng thành công không chỉ trong Hội thảo này mà quan trọng hơn là hiệu quả lan tỏa kết quả của Hội thảo trong Ngành giáo dục, đến các cơ sở giáo dục đào tạo và đến từng lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục của các địa phương để chuẩn bị đội ngũ cán bộ QLGD, giáo viên tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo và đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu

Tham dự Hội thảo GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên trên cơ sở lý giải các vấn đề và câu hỏi như: Tư duy quản lý; Bối cảnh của giáo dục; Quy luật cơ bản của kinh tế thị trường tác động đến giáo dục? Sự lựa chọn đi làm hay đi học? Câu chuyện về khởi nghiệp; Vì sao trẻ em không đến trường? Trước mắt và tương lai? Giá trị: Mục tiêu của giáo dục phải là nơi lan tỏa các giá trị  mới; Năng lực số của cán bộ quản lý; Khả năng và năng lực; Thầy giáo có quyền lực gì? Các chính sách tạo động lực; Với 3 chức năng chính của nhà lãnh đạo đã đủ chưa? Nhìn vào đâu để khẳng định nhà lãnh đạo có tài? Các thầy, cô muốn làm gì để đi tiếp… từ đó đưa ra các đề xuất, yêu cầu khi phát triển chương trình bồi dưỡng cho cán bộ QLGD trong bối cảnh hiện nay.

Trên cơ sở chỉ ra 10 nội dung cơ bản về chất lượng giáo dục của tổ chức UNESCO và phấn tích rõ hơn một số điểm mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, vai trò của sách giáo khoa, thiết bị dạy học cũng như vai trò của giáo viên, sự chủ động của nhà trường, chín yêu cầu về năng lực của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và thực trạng các chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn hiện nay, cũng như các chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu mà các cơ sở bồi dưỡng đang thực hiện và các sở/phòng giáo dục và đào tạo cũng như các nhà trường phổ thông đặt hàng.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phát biểu

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã đề xuất, đặt vấn đề về phát triển chương trình và tài liệu bồi dưỡng cán bộ QLGD phổ thông theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể là Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ bộ môn, xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên, tổ chức daỵ học và kiểm tra đánh giá, giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông để các trường đại học sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sở/phòng giáo dục và đào tạo, cũng như các nhà trường phổ thông cần thực hiện để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường trong bối cảnh hiện nay. 

PGS,TS Trần Hữu Hoan, Phó Giám đốc Học viện

Trên cơ sở phân tích khái quát bối cảnh hiện nay của giáo dục trong nước và quốc tế, thực trạng chương trình, nội dung bồi dưỡng cán bộ QLGD và thực trạng công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ QLGD phổ thông trong nước và quốc tế trong bối cảnh hiện nay, PGS,TS Trần Hữu Hoan, Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã đề xuất khung nội dung bồi dưỡng cho cán bộ QLGD phổ thông hiện nay của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với hai phần nội dung chính là: Nội dung chung về quản trị cơ sở giáo dục với 10 chuyên đề và nội dung bồi dưỡng về kỹ năng quản trị cơ sở giáo dục với 12 chuyên đề với thời lượng mỗi chuyên đề từ 30 - 45 tiết phù hợp cho từng đối tượng cán bộ quản lý giáo dục của các cấp học, bậc học.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Thuần, cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý, Vụ Giáo dục Trung học cùng các vụ, cục chức năng của Bộ, sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu, quý vị đại biểu lãnh đạo sở/phòng giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đã viết bài và tham dự Hội thảo này, sau khi Hội thảo kết thúc, Học viện tiếp thu ý kiến phát biểu của các quý vị đại biểu để hoàn thiện tài liệu, tham mưu, phối hợp Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý, các vụ, cục chức năng để báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vấn đề phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Một số hình ảnh Hội thảo:

Trung tâm Công nghệ thông tin – Thư viện.