Hội thảo quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo
Chiều 2/6, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có các Phó Chủ nhiệm và các thành viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Giáo dục; các chuyên gia, nhà giáo; đại diện các Bộ, ngành, địa phương.
Chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực
Phát biểu mở đầu hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.
Quang cảnh hội thảo
“Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng”, Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định sự cần thiết của một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo
“Trong thời gian dài vừa qua, Bộ GDĐT kiên trì, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho phép xây dựng một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo. Đến tháng 4 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV. Đây là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước”, Bộ trưởng chia sẻ.
Nhấn mạnh tinh thần nhất quán trong quá trình xây dựng Luật là kiến tạo cơ sở, môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, Bộ trưởng cho biết: Quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu. Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp, trong đó nhà giáo, cả công lập và ngoài công lập, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường phát triển của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo
“Nếu được thông qua, đây là cơ hội để chúng ta điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý nhà nước về nhà giáo. Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, điểm khác biệt cơ bản của quản trị nguồn nhân lực so với quản lý nhân sự như hiện nay là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục. Nguồn lực này bao gồm những nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ theo một hệ thống các quy định do ngành Giáo dục thực hiện, nhằm bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo với mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục. Việc chuyển tư duy quản lý nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục. Định hướng xây dựng Luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, lấy yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo. Tôi nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn và chất lượng trong công tác quản lý nhà giáo, vì chính yếu tố này sẽ đảm bảo cho yếu tố quản lý nhà nước có được sự đổi mới trong cả khối công và khối tư. Luật mới cũng sẽ hướng dẫn quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc.
Các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội dự hội thảo
“Chúng tôi mong rằng, với quản lý nhà nước xây dựng trên yếu tố chuyên môn và chất lượng như vậy sẽ hướng đến việc quản lý chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, đóng góp với nghề”, nêu quan điểm này, Bộ trưởng cũng khẳng định: Luật Nhà giáo không làm giảm vai trò quản lý nhà nước về nhà giáo của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và sẽ không có xung đột với các Luật và văn bản quy phạm pháp luật khác.
"Luật Nhà giáo đề cập và làm rõ vai trò, thẩm quyền của ngành Giáo dục trong quản lý nhà nước về nhà giáo vì mục tiêu kiến tạo và phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
5 nội dung đột phá về công tác quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Nhà giáo
Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) đã trình bày báo cáo về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nhà giáo: Một số định hướng đề xuất nhằm kiến tạo môi trường phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) báo cáo tại hội thảo
Theo đó, Bộ GDĐT dự kiến quy định 5 nội dung mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Thứ nhất, công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh/thành phố khác nhau và được thực hiện giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thứ ba, tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp.
Thứ tư, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục.
Thứ năm, chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo
Theo ông Vũ Minh Đức, những điều kiện nói trên là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, nơi nhà giáo được bảo vệ và được đảm bảo về các điều kiện vật chất, tinh thần, đảm bảo điều kiện an sinh xã hội.
Từ đó, các nhà giáo an tâm công tác, tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục; được ghi nhận xứng đáng đối với những thành tích, đóng góp đạt được để duy trì động lực phấn đấu, tận tụy với nghề, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có cơ hội công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp; được xã hội tôn vinh tương xứng với vị thế nghề nghiệp trong xã hội, vun đắp thêm niềm tự hào, vinh dự với “nghề” nhà giáo.
Nhờ vậy, “trở thành nhà giáo” tự khắc là nguyện vọng của những người có tài năng, có năng lực, là “sức hút” tự nhiên làm tăng số lượng người muốn trở thành nhà giáo, thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo nhà giáo, tăng hiệu quả công tác tuyển dụng nhà giáo…
Cần thiết đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo
Từ thực tế quản lý nhà nước nhà giáo tại tỉnh Điện Biên, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề xuất xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GDĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GDĐT.
Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao đổi tại hội thảo
Ông Bằng cũng đề nghị quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Nêu một số hạn chế, bật cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo cụ thể tại địa phương dẫn tới hiện tượng thừa - thiếu cục bộ, khó khăn trong thuyên chuyển, điều động, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên…, GS.TS. Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An đề xuất, cần đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo. Trong đó, thẩm quyền tuyển dụng nên phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu; trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.
GS.TS. Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An trao đổi tại hội thảo
Về sử dụng nhà giáo, ông Thành đề xuất quy định đồng bộ, thống nhất về việc thay đổi đơn vị công tác và thay đổi vị trí việc làm của nhà giáo để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, bố trí, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo khi cần; đồng thời tính đến xu thế phát triển của giáo dục hiện nay và trong tương lai, khi khối giáo dục ngoài công lập phát triển thì nhà giáo có cơ hội di chuyển giữa các khối công - tư nếu đáp ứng các yêu cầu cần thiết.
Theo TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến, tuy Bộ GDĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền gì trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và người.
TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi tại hội thảo
TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích, sự phân công trách nhiệm giữa Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lý nhân sự, phù hợp với mô hình quản lý nhà nước truyền thống về giáo dục khi Nhà nước giữ vai trò vừa là người cầm lái vừa là người chèo thuyền.
Tuy nhiên, từ hơn hai chục năm nay, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, khi mô hình quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta đã từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, theo đó nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý kiến tạo, thì mô hình quản lý nhân sự như trên không còn phù hợp.
“Chính mô hình quản lý này là một trong những nguyên nhân chính khiến bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Cần thay thế nó bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực”, TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi tại hội thảo
Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đại diện các địa phương về dự thảo Luật Nhà giáo nói chung và vấn đề quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo nói riêng, với khẳng định chung, đây là dự luật đã được chờ đợi từ lâu và tất cả giáo viên, cử tri đều rất kỳ vọng.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ GDĐT trong xây dựng dự án Luật Nhà giáo, các ý kiến cũng mong muốn, Bộ GDĐT và Ban soạn thảo sẽ tiếp tục có những đánh giá tác động, lắng nghe ý kiến - đặc biệt là ý kiến của đội ngũ nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục xuất phát từ quan tâm tới nhà giáo.