Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 – Dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc

Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngày Quốc Khánh Việt Nam – Dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc

Ngày Quốc Khánh Việt Nam – Dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc

Ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Từ đó ngày 2/9 hằng năm được lựa chọn là ngày Quốc Khánh nước ta.

Đây chính là dịp để mọi người dân Việt Nam, kể cả bào kiều ở nước ngoài cùng nhau hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh anh dũng vì hòa bình nước nhà, cùng tưởng nhớ và biết ơn vĩ nhân Hồ Chí Minh- người anh hùng giải phóng dân tộc. Là dịp để các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Tên gọi chính thức: Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 02/09/1945 – Dấu ấn lịch sử không thể quên
Sáng ngày 2/9/1945 hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu cùng hướng về quảng trường Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố thể hiện ý chí độc lập, tự do của người dân. Các câu khẩu hiệu có thể kể đến như: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đúng 14 giờ, chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ lâm thời đã tiến ra lễ đài, bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ cao, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phóng thanh. Thay mặt Chính phủ lâm thời- tức là ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương – Người đọc Bản Tuyên ngôn Độc Lập. Lời nói của Người trang trọng đầm ấm vang trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới : “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Từng lời văn Người viết ra đều thể hiện ý chí và tinh thần anh dũng, kiên cường của dân tộc ta. Lời văn dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu để ai cũng có thể hiểu được.

Ý nghĩa ngày quốc khánh Việt Nam 2/9, giá trị lịch sử bản tuyên ngôn độc lập
Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc, tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông ta. Thời thế đã đổi thay, song chí khí hào hùng của nhân dân ta trong thơ Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư..”, trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi vẫn thắm đượm trong từng lời, từng chữ của bản Tuyên ngôn.

Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống Thực dân và Phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước – nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới – chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu á.

76 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sưu tầm