Khoa/ Phòng ban

Tổ chức

Hội đồng Học viện Quản lý giáo dục
- Website: http://naem.edu.vn/ 

Chủ tịch Hội đồng Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2020-2025: PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hằng

 

1. Hội đồng Học viện là tổ chức là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của Học viện. Nhiệm kỳ của Hội đồng Học viện là 05 năm và theo nhiệm kỳ của Giám đốc Học viện. Hội đồng Học viện làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Học viện

a) Quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Học viện bao gồm kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm.

b) Quyết nghị về thay đổi hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế về tổ chức và hoạt động của Học viện;

c) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục;

d) Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của Học viện;

đ) Thông qua các quy định về: số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên hợp đồng của Học viện;

e) Giới thiệu nhân sự Giám đốc, Phó Giám đốc để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định;

f) Thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của Giám đốc, Phó Giám đốc, các hoạt động của Hội đồng khoa học và đào tạo và các hội đồng tư vấn khác (nếu có) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

g) Tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết;

h) Giám sát các hoạt động của Học viện; định kỳ hoặc đột xuất yêu cầu Giám đốc báo cáo giải trình về các hoạt động của Học viện; khi cần thiết yêu cầu các đơn vị trong Học viện báo cáo, giải trình về các hoạt động liên quan;

i) Kiến nghị Bộ GD&ĐT miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc;

j) Quyết nghị về chủ trương xây dựng bộ máy tổ chức; chủ trương tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; chủ trương về tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; huy động nguồn lực cho Học viện;

k) Quyết nghị về định hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của Học viện;

l) Quyết nghị về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của Học viện; kế hoạch ngân sách, mức học phí; chỉ tiêu tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh và phương thức tuyển sinh; danh sách thành viên của Hội đồng khoa học và đào tạo, Hội đồng tư vấn.

m) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Học viện, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của Học viện.

3. Hội đồng Học viện có số lượng thành viên là số lẻ, từ 15 thành viên trở lên; có 01 Chủ tịch và 01 Thư ký Hội đồng. Thành phần của Hội đồng Học viện bao gồm:

a) Thành viên đương nhiên: Giám đốc Học viện, các Phó Giám đốc Học viện, Bí thư Đảng ủy Học viện, Chủ tịch Công đoàn Học viện, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Học viện.

b) Thành viên được bầu: Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên thuộc các khoa, viện nghiên cứu.

c) Thành viên mời: Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; một số thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của Học viện đáp ứng các yêu cầu sau đây: đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Học viện; không phải là người có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột với các thành viên khác trong Hội đồng Học viện. Nếu các thành viên này không phải là công chức, viên chức thì không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch hoặc thư ký Hội đồng Học viện. Số lượng thành viên thuộc thành phần này chiếm không dưới 20% tổng số thành viên của Hội đồng Học viện.

4. Chủ tịch Hội đồng Học viện do Hội đồng Học viện bầu trong số các thành viên của Hội đồng Học viện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của Hội đồng Học viện đồng ý. Chủ tịch Hội đồng Học viện được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật; Tiêu chuẩn Chủ tịch hội đồng Học viện thực hiện như tiêu chuẩn của Giám đốc Học viện và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Triệu tập các cuộc họp của Hội đồng Học viện;

b) Quyết định về chương trình nghị sự, chủ tọa các cuộc họp và tổ chức bỏ phiếu tại cuộc họp;

c) Điều hành Hội đồng Học viện thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học và Quy chế này.

5. Thư ký của Hội đồng Học viện do Chủ tịch Hội đồng Học viện giới thiệu trong số các thành viên của Hội đồng Học viện và bổ nhiệm khi được Hội đồng Học viện thông qua với trên 50% tổng số thành viên Hội đồng Học viện đồng ý. Thư ký của Hội đồng Học viện thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Tổng hợp thông tin về hoạt động của trường báo cáo Chủ tịch Hội đồng Học viện; chuẩn bị chương trình nghị sự, nội dung, tài liệu, gửi giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của Hội đồng Học viện; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ các văn bản của Hội đồng Học viện;

b) Chuẩn bị các báo cáo, giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng Học viện;

c) Các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng Học viện giao.

6. Các thành viên của Hội đồng Học viện có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng Học viện phân công và các nhiệm vụ khác quy định tại Quy chế này.